Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 5

CHÚA GIÊSU BỊ ĐIỆU TỚI TRƯỚC THƯỢNG TẾ ANNAS VÀ CAIPHA

Con Chiên Giêsu hiền lành vô cùng bị bắt, bị trói tàn bạo, bị lôi đi từ Vườn Cây Dầu tới nhà thượng tế Annas (Gioan 18:13). Juda Iscariot khuyến cáo đám lính cùng đầy tớ các thượng tế rằng Thầy của y là một tay phù thủy, có thể thoát khỏi tay chúng dễ dàng, nếu chúng không trói, xiềng xích, cẩn thận trước khi điệu Ngài đi. Chúng đã áp dụng mọi biện pháp đề phòng theo lời tên phản bội (Mc 14:44). Lucifer và ma quỉ xúi giục những tên đầy tớ đó tăng thêm những hành hạ bất kính phạm thượng đối với Chúa Giêsu vượt quá mọi mức độ về nhân đạo và luân lý. Chúng không bỏ sót một lời nhục mạ nào, trong phạm vi được Thiên Chúa Toàn Năng cho phép, đối với Ngôi Vị của Đấng tạo dựng chúng. Chúng trói Chúa bằng sợi xích sắt lớn, quấn quanh thắt lưng, bó chặt hai cánh tay và quàng lên cổ. Hai đầu dây xích còn thừa ra được móc vào những chiếc vòng lớn dùng để khoá hai tay Chúa. Hai tay Chúa bị trói, bị khóa cứng không phải ở phía trước, mà bị bắt quặt ra sau lưng. Nhưng bọn lính không hài lòng với cách trói tù chưa bao giờ nghe nói này, và vì sợ rằng chưa đủ chắc, chúng tăng cường hai sợi thừng khác nữa. Chúng quấn một sợi quanh cổ, bắt tréo trước ngực, cột lại thành những nút thắt lớn quanh mình Chúa, buông hai đầu dây thòng dài ở phía trước, để dọc đường chúng có thể lôi Chúa đi những lối khác nhau. Sợi thứ hai trói hai cánh tay, quấn quanh thắt lưng, hai đầu dây này buông lơi để hai lên lý hình giữ và lôi Chúa từ phía sau.

Chúa Cứu Thế, che giấu quyền năng tiêu diệt các kẻ thù để Công Cuộc Cứu Chuộc nhân loại được dư dật hơn, cam chịu mọi cường độ cơn giận dữ lồng lộn phạm thượng của những người bị Lucifer và đồng bọn xúi giục. Chúng lôi Chúa, vẫn còn bị xiềng xích tàn bạo, đến nhà thượng tế Annas. Tại đây, chúng vu khống Chúa là tên bất lương gian ác đáng phải chết. Theo phong tục Do Thái chỉ có những trọng phạm đáng tử hình mới bị trói như thế; mà bây giờ chúng áp dụng cách thức này đối với Chúa Giêsu để tuyên án Chúa trước khi xét xử.

Thượng tế Annas ngồi nơi đại sảnh, ngạo nghễ hỏi Chúa về các môn đệ và giáo lý Chúa rao giảng (Gioan 18:19). Câu hỏi này đưa ra chỉ nhằm mục đích bóp méo lời Chúa đáp lại, nếu Chúa nói ra bất cứ lời nào đem lại cho chúng cơ hội như thế. Nhưng Chúa Cứu Thế dâng lên Thiên Chúa Cha hằng hữu sự khiêm nhượng vì được coi như một trọng phạm trước mặt viên thượng tế, bị hạch hỏi như một kẻ nói quanh co và giảng dạy giáo lý giả dối. Chúa Cứu Thế, với vẻ mặt khiêm nhượng, đã bình tĩnh trả lời câu hỏi về các giáo lý của Chúa: “Tôi giảng dạy công khai cho mọi người, Tôi luôn giảng dạy trong hội đường và đền thờ, nơi mọi người Do Thái lui tới, Tôi không nói điều gì nơi kín đáo. Tại sao ông lại hỏi Tôi? Hãy hỏi những người này, họ đã nghe những lời Tôi nói, họ biết những điều Tôi đã dạy.” Vì giáo lý của Chúa Kitô từ Thiên Chúa Cha mà đến, Chúa nói và bênh vực danh dự giáo lý đó. Chúa qui những lời Chúa giảng dạy cho những người nghe Chúa. Một phần vì chính những người đó, lúc này đang đứng vây quanh Chúa, không tin mà muốn bóp méo lời Chúa, phần khác cũng vì chân lý, vì sức mạnh các lời Chúa giảng dạy, bằng chính sự tuyệt vời của các chân lý và giáo huấn đó, gợi lại và đè nặng trên lương tâm những kẻ thù ghét Chúa sâu đậm nhất.

Chúa không nói một lời nào về các Tông Đồ, vì không cần thiết, vả lại các Tông Đồ không gợi lên uy tín gì nhiều đối với Thầy các ông, do cách cư xử của các ông lúc này. Mặc dầu lời Chúa đáp lại quá dư đầy khôn ngoan, quá thích hợp với câu hỏi, một trong các đầy tớ của thượng tế đã ào tới đưa cao bàn tay, cả gan đánh vào Mặt cực thánh đáng phải tôn thờ của Chúa, y nói: “Mày dám trả lời vị thượng tế như thế sao?” Chúa Giêsu chấp nhận sự sỉ nhục vô cùng này, cầu nguyện cho kẻ đã đưa ra cái tát đó; và sẵn sàng, nếu cần, đưa má bên kia chịu cái tát thứ nhì, theo giáo huấn Chúa đã dạy (Mt 5:39). Nhưng để cho tên đầy tớ cả gan liều lĩnh phạm thượng đó không thể vô liêm sỉ khoác lác sự ác độc của nó, Chúa Giêsu bình tĩnh và hiền lành trả lời: “Nếu Tôi nói sai, hãy chứng minh điều sai trái đó; nếu Tôi nói đúng, tại sao lại đánh Tôi?” Ôi cảnh tượng quá sức lạ lùng đối với các thiên thần! Vì đây chính là Chúa, mà chỉ với âm thanh lời Chúa phán, các bầu trời rúng động!

Trong khi việc hành hạ Chúa vẫn tiếp diễn, thánh Phêrô và người môn đệ kia, không ai khác hơn là Gioan, tới nhà thượng tế Annas. Thánh Gioan, vì quen biết tại đó, được nhận cho vào, trong khi thánh Phêrô còn ở ngoài. Sau đó người nữ tì, vốn quen biết thánh Gioan, cũng để cho thánh Phêrô vào theo dõi những việc xảy ra (Gioan 18:16). Hai vị môn đệ dừng lại ở chỗ cửa ra vào dinh thượng tế Annas. Thánh Phêrô đến bên đống lửa bọn lính đốt để sưởi ấm ở gần cửa ngõ. Một nữ tì nhận ra dáng vẻ phiền muộn của ngài, y thị tiến lại gần và nhận ra ngài là môn đệ Chúa Giêsu, y thị nói: “Ông không phải là một trong các môn đệ Người này sao?” Người nữ tì đưa ra câu hỏi này với giọng thách thức khinh miệt. Vì yếu đuối, thánh Phêrô đầu hàng cảm tưởng nhục nhã đó, và cũng vì sợ hãi, ngài trả lời: “Tôi không phải là môn đệ Ông Ấy.” Sau khi nói lời này, ông Phêrô rời khỏi nơi đó để khỏi phải nói thêm. Nhưng liền sau đó ông Phêrô đi theo Thầy tới nhà thượng tế Caipha, tại đó ông lại chối Chúa vào hai dịp khác.

Sau khi thánh Phêrô chối Chúa lần thứ nhất, Chúa Kitô cầu nguyện xin Thiên Chúa Cha cho ngài, và nhờ Mẹ Maria cầu bầu, ngài được ơn tha thứ mặc dù sau ba lần chối Chúa. Từ phòng cầu nguyện, Mẹ Maria chứng kiến mọi việc. Vì Mẹ Maria chứa trong Trái Tim Mẹ khả năng đền tội và sự hy sinh của Con cực thánh Mẹ trong Nhiệm Tích Thánh Thể, Mẹ Maria hướng các lời cầu xin và khát vọng đầy yêu thương trực tiếp tới Chúa Giêsu, dâng lên những hành động anh hùng nhất về lòng trắc ẩn, tạ ân, tôn thờ. Mẹ Maria đã đau đớn khóc việc ông Phêrô chối Chúa, và không ngừng khóc cho tới khi Mẹ thấy rõ là Chúa Giêsu ban cho ngài ơn cứu giúp cần thiết để từ chỗ vấp ngã chỗi dậy cách kết quả.

Toàn thể ma quỉ và các kẻ thù độc ác của Chúa Kitô đã rời khỏi nhà thượng tế Annas, chúng lôi Chúa Cứu Thế qua các đường phố tới dinh thượng tế Caipha. Chúng trút trên Thánh Thể Chúa tất cả sự ác độc cuồng nộ đê tiện. Các thượng tế và phụ tá lớn tiếng nhạo báng giễu cợt khi thấy Chúa Giêsu bị điệu đến trước mặt họ giữa tiếng ồn ào huyên náo, thấy Chúa lúc này bị khuất phục quyền xét xử của họ mà không hy vọng trốn thoát. Ôi nhiệm mầu khôn ngoan đáng ca tụng của thiên đàng! Ôi sự điên khùng, ngu dốt của hoả ngục, sự ngu dại mù quáng của loài người! Ôi khoảng cách xa khôn lường giữa các việc làm của Đấng Tối Cao đối với các việc làm của hỏa ngục và loài người!

Thượng tế Caipha, lòng đầy đố kị chết người thù ghét Thầy Dạy Lời Hằng Sống, ngồi trên ngai của ông ta. Kế bên Caipha là Lucifer và lũ quỉ từ nhà thượng tế Annas kéo tới. Các ký lục, biệt phái, tựa như đàn sói khát máu, vây quanh Con Chiên hiền lành. Bọn này hả hê khi thấy đối tượng lòng đố kị của chúng bị thất bại, bị hạ nhục. Chúng thoả thuận tìm những người làm chứng gian vu khống Chúa Cứu Thế (Mt 26:59). Những lời cáo buộc do nhân chứng đưa ra không ăn khớp nhau, cũng không thể kết án Chúa, Đấng mà bản chất hoàn toàn vô tội và thánh thiện (Mc 25:26, Dt 7:26).

Chúa Giêsu không một lời đáp lại những vu khống dối trá đó. Tức giận vì sự im lặng kiên nhẫn của Chúa Giêsu, Caipha đứng dậy nói: “Tại sao Ông không đáp lại các nhân chứng cáo buộc Ông?” Nhưng Chúa Giêsu vẫn không nói một lời. Caipha và đồng bọn đều không muốn tin lời Chúa, nhưng dùng lời Chúa đáp lại để vu khống và thoả mãn dân chúng trong những hành động chống lại người Galilea, để họ không bị qui trách là kết án tử cho Chúa mà không có lý do. Sự im lặng khiêm nhượng của Chúa Cứu Thế, đáng lẽ ra làm nguôi lòng vị thượng tế ác độc, đã chỉ làm cho ông ta tức giận hơn nữa vì mục đích quỉ quyệt của ông ta bị đảo lộn. Lucifer khích thích thượng tế Caipha và những người khác, chăm chú quan sát cách Chúa Cứu Thế cư xử. Nhưng ý định của Lucifer khác với ý định của vị thượng tế. Lucifer chỉ muốn chọc khuấy Chúa để nghe được lời nào mà do đó nó có thể xác định được Chúa Giêsu có phải là Thiên Chúa thực hay không.

Nhằm mục đích này Satan xúi giục thượng tế Caipha nổi giận bừng bừng và kiêu căng, ông ta lớn tiếng chất vấn Chúa: “Nhân Danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền Ông nói cho chúng tôi biết Ông có phải là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa không.” Câu hỏi này của vị thượng tế đã làm cho ông ta cùng một lúc phạm tội tột cùng dại dột, phạm thượng kinh khủng nhất. Vì nếu câu hỏi đó thành thực, ông ta đã không để Chúa Giêsu bị điệu tới trước mặt ông ta chỉ vì nghi vấn Chúa là Thiên Chúa thực hoặc không, mà hành động đó hẳn làm cho ông ta mắc trọng tội ghê ghớm nhất, táo bạo nhất. Sự nghi ngờ về trường hợp đó hẳn đã phải được giải quyết theo cách hoàn toàn khác hẳn, phù hợp với những đòi hỏi của lý luận ngay thẳng và công lý. Vì kính trọng Thánh Danh Thiên Chúa, Chúa Giêsu đáp: “Ông đã nói đúng: Tôi là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Nhưng Tôi nói với các ông, sau này các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng, và đến từ mây trời” (Mt 26:64).

Thượng tế Caipha giận dữ vì lời Chúa Giêsu đáp lại. Thay vì nhìn nhận đó là giải đáp cho sự hoài nghi của ông ta, lần nữa Caipha đứng dậy, xé phẩm phục, lớn tiếng nói: “Nó đã nói phạm thượng. Chúng ta còn cần thêm bằng chứng chi nữa? Đó, tất cả các ông đều đã nghe lời phạm thượng, bây giờ các ông nghĩ sao?” (Mt 26:65). Tuy nhiên lời phạm thượng đích thực chính là những lời Caipha vừa mới nói, vì ông ta từ chối sự thực Chúa Kitô là Con Thiên Chúa do chính Bản Tính Chúa, vì ông ta gán cho Bản Tính Thiên Chúa sự tội lỗi, mà sự tội thì trực tiếp mâu thuẫn với bản tính Thiên Chúa. Đó là sự điên rồ dại dột của vị thượng tế ác độc, người mà do chức vụ đáng lẽ ra đã phải nhìn nhận, tuyên xưng chân lý ngàn đời đó. Caipha làm cho mình thành kẻ phạm thượng bỉ ổi bằng việc khăng khăng cho rằng Chúa Giêsu, Đấng là chính sự thánh thiện, đã lộng ngôn phạm thượng. Trước kia Caipha lạm dụng địa vị cao cả của mình khi nói trước rằng cái chết của một người thì tốt hơn sự sụp đổ toàn dân, lúc này ông ta bị tội lỗi cản trở không hiểu được lời tiên tri chính mình đã nói. Toàn thể đám dân chúng tụ họp tại đó, bị khích động mãnh liệt vì các hành động cùng ý kiến của những người có địa vị và giáo chủ, đều khinh ghét Chúa Giêsu, đồng thanh la lên: “Nó đáng tội chết, hãy đóng đanh Nó, hãy đóng đanh Nó!” (Mt 26:66). Bị thúc đẩy bởi cơn cuồng nộ ma quỉ, mọi người đều trút lòng hận thù lên Chúa, Đấng vô cùng hiền lành. Một vài người trong bọn chúng đánh vào Mặt Chúa. Những người khác đạp đá Chúa. Những người khác giựt tóc và râu Chúa. Những người khác khạc nhổ nước miếng và đờm dãi vào Mặt Cực Thánh Chúa. Những người khác đấm đánh vào Cổ Chúa mà đó là cách đối xử dành cho trọng phạm hèn hạ nhất theo tục lệ Do thái.

Mẹ Maria thấy tường tận mọi hành động sỉ nhục này, đồng thời cảm thấy nơi xác thánh Mẹ cũng những đau đớn đánh vào Thân Xác cực thánh Chúa. Sự khác biệt duy nhất là, trên Thánh Thể Chúa Giêsu, những cái tát, đấm đá, đánh đập đều do loài người gây ra; trong khi đó trên thân thể cực trinh khiết Mẹ Chúa, những đau đớn hành hạ được Thiên Chúa Toàn Năng gây ra cách nhiệm mầu theo Mẹ xin. Theo tự nhiên, sự đau buồn lo lắng tột cùng đã đủ làm cho Mẹ chết, nhưng được sức mạnh Thiên Chúa nâng đỡ để có thể tiếp tục chịu đau khổ cùng với Con và Chúa của Mẹ.

Chúng ta không thể nào hình dung, đo lường các việc Chúa Cứu Thế thực hiện âm thầm trong khi chịu những hành hạ dã man vô tiền khoáng hậu này. Chỉ một mình Mẹ Maria thấu triệt và bắt chước các hành động của Chúa Cứu Thế cách trọn hảo. Chúa giành được cho những người muốn theo thực hành giáo lý Chúa vô cùng nhiều ân sủng và hồng phúc. Chúa dạy những người này “con đường nhỏ tới đỉnh trọn lành” bằng chính gương sáng. Giữa các thương tích vì những đợt hành hạ ác độc, Chúa Giêsu thiết lập cho các linh hồn được tuyển chọn đại hồng phúc Chúa đã hứa.

Chúa nói với những người bắt chước Chúa trong thánh đức khó nghèo:

 

“Phúc thay các con những kẻ bị lột hết mọi của cải trần thế; vì qua Khổ Hình Tử Nạn của Cha, Cha sẽ cho các con thừa kế nước trời làm sản nghiệp bảo đảm chắc chắn cho sự khó nghèo tự nguyện.”

“Phúc thay các con những kẻ khiêm tốn nhẫn nhục chịu đau khổ, chịu đựng mọi nghịch cảnh và thống khổ, bởi không kể sự vui sướng vì bắt chước Cha, các con sẽ chiếm được đất nơi mọi con tim và thiện chí của mọi người qua tính cách an hòa trong việc giao tiếp và sự ngọt ngào thánh đức của các con.”

 

“Phúc thay các con những kẻ than khóc khi gieo trồng trong nước mắt; vì trong nước mắt, các con sẽ nhận được bánh hiểu biết trường sinh, sau đó các con sẽ gặt hái những kết quả của niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu.”

 

“Phúc thay những người đói khát sự công chính và chân lý; vì Cha cho các con no thoả vượt quá lòng các con ước mong, được ngự trị trong ân sủng và vinh quang.”

 

“Phúc thay những ai bắt chước Cha trong việc tha thứ và yêu thương, xót thương những kẻ xúc phạm, đàn áp mình; Cha hứa cho các con dồi dào tình thương xót của Thiên Chúa.”

 

“Phúc thay những người trong sạch trong lòng, theo gương Cha đóng đanh xác thịt để bảo vệ sự tinh tuyền linh hồn. Cha hứa cho các con hoà bình và thấy Thiên Tính của Cha, trở nên giống Cha, cùng chia sẻ với Cha.”

 

“Phúc thay những người hiền lành hy sinh quyền lợi của mình, không chống lại những kẻ ác độc mà đối xử với chúng bằng lòng thành thực và trái tim hiền hoà không hận thù; các con sẽ được gọi là con của Cha, vì các con bắt chước Cha, Cha sẽ viết tên các con trong thánh tâm Cha.”

 

“Những người chịu đau khổ bạc đãi vì công lý sẽ là những thừa kế tốt phúc được hưởng nước trời của Cha, vì các con cùng chịu đau khổ với Cha; Cha ở đâu, các con cũng sẽ ở đó với Cha đời đời.”

 

“Hãy reo mừng, hỡi những người khó nghèo, hãy được an ủi hỡi những người đang và sẽ chịu đau khổ; vinh quang là phần của các con.”

 

“Hỡi những người bé nhỏ và những người bị bạc đãi khinh miệt ở đời này, những người chịu đau khổ cách khiêm nhượng nhẫn nại, chịu đau khổ mà trong lòng vui mừng, vì tất cả các con đang đi theo Cha trên đường chân lý.”

 

“Các con hãy từ bỏ phù vân, khinh chê phù hoa và ngạo mạn của thành Babylon giả trá dối gạt; các con hãy đi qua lửa và nước đau khổ cho tới khi nào các con đến được với Cha, Đấng là ánh sáng, là chân lý, là người hướng dẫn các con tới nơi nghỉ ngơi và no thỏa đời đời.”

Do sự hành hạ Chúa Giêsu phải chịu trước mặt thượng tế Caipha và hội đồng, mà cơn phẫn nộ của viên thượng tế, các phụ tá, thừa tác của ông ta được nguôi ngoai rất nhiều mặc dầu chưa hoàn toàn thỏa mãn. Nhưng vì lúc đó đã quá nửa đêm, toàn thể hội đồng những người ác độc này quyết định Chúa Cứu Thế phải bị giam giữ cẩn thận cho tới sáng, sợ rằng Chúa trốn thoát trong khi họ ngủ. Vì thế họ ra lệnh nhốt giam và khóa Chúa Cứu Thế, vẫn còn bị trói như lúc đầu trong những hầm tù dưới đất, loại phòng nhỏ hẹp nhốt tù dành riêng cho những tên trộm cướp táo bạo nhất và những đại trọng phạm. Hầm tù này dơ dáy hôi thối có thể làm cho dinh thượng tế bị xú uế, nếu như căn hầm tù này không ở sâu dưới mặt đất, cách xa nhà ở và cửa đóng kín.

 LỜI MẸ MARIA Con của Mẹ, nhờ ơn Chúa, con được mời gọi đến với những việc trọng đại liên quan các mầu nhiệm về các thống khổ Con cực thánh Mẹ và Mẹ phải chịu vì loài người. Con cũng biết loài người vô tâm bội bạc đã đền đáp quá ít đối với tình yêu vô biên và những đau đớn của Chúa Cứu Thế. Con có biết Mẹ, các thiên thần và các thánh nghĩ gì khi thấy thế giới ngày nay đang lâm vào tình trạng nguy hiểm khủng khiếp do sự cẩu thả của họ, mặc dầu họ có Khổ Hình Tử Nạn của Con cực thánh Mẹ ở trước mắt; có Mẹ là Mẹ và là Đấng Bầu Cử; có cuộc sống cực trong sạch của Chúa Giêsu và của Mẹ là gương sáng?

Mẹ nói cho con biết: chỉ có công nghiệp Con Một Chúa Cha và lời cầu bầu mà Mẹ dâng lên Thiên Chúa Cha hằng hữu có thể diên trì được hình phạt, làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Cha, có thể trì hoãn việc hủy diệt thế giới và trừng phạt nặng nề các con cái hư đốn của Giáo Hội, những người biết thánh ý Chúa mà không thi hành (Gioan 15:15). Nhưng Mẹ hết sức buồn vì tìm được quá ít người chia sẻ nỗi buồn của Mẹ và cố gắng an ủi Con cực thánh Mẹ trong những thống khổ của Ngài (Tv 68:21). Sự cứng lòng này gây ra nhiều xấu hổ cho những người đó trong ngày chung thẩm. Khi đó với nỗi đau đớn không thể đền bù, họ sẽ thấy không những họ chỉ vong ân bội nghĩa, mà họ còn bất nhân dữ dằn ác độc đối với Con cực thánh Mẹ, đối với Mẹ và đối với chính họ nữa.

Vì thế, con hãy cân nhắc bổn phận của con, con yêu quí nhất của Mẹ, hãy nâng con lên vượt trên mọi thứ trần thế này, trên chính bản thân con nữa. Mẹ chọn gọi con bắt chước Mẹ, theo Mẹ vào cảnh cô đơn, nơi đó Mẹ bị bỏ rơi bởi chính những người mà Con Mẹ và Mẹ đã từng đeo đuổi kêu mời bằng quá nhiều ân sủng đặc biệt. Con hãy cân nhắc trong trái tim con, Chúa của Mẹ đã phải trả giá bao nhiêu để làm hòa nhân loại với Thiên Chúa Cha hằng hữu, giành lại cho họ tình thân hữu của Ngài (Col 1:22). Con hãy khóc thương quá nhiều người sống bội bạc vong ân như thế cùng quá nhiều người làm hết sức họ để tiêu diệt và làm mất đi những gì được mua bằng Máu chính Thiên Chúa. Họ cũng bỏ mất tất cả những gì mà, ngay từ giây phút đầu tiên bẩm thai, Mẹ đã tìm kiếm để đạt được cho việc cứu rỗi họ.

Con hãy làm thức dậy trong tim con sự buồn phiền sâu thẳm nhất vì trong Giáo Hội có quá nhiều người theo các linh mục phạm thánh, dưới lớp áo đạo đức giả, vẫn còn lên án Chúa Kitô. Sự kiêu căng, xa hoa cùng với những thói xấu nặng nề khác được nâng lên hàng chức quyền và được ca tụng, tính tham lam và phù vân giả tạo thắng thế. Trái lại sự khiêm nhượng, chân lý, sự công chính và tất cả các thánh đức bị đàn áp sỉ nhục. Ít người biết đến đức khó nghèo của Chúa Kitô, số người yêu mến thánh đức này càng ít hơn. Đức tin thánh thiện bị cản trở không được loan truyền giữa các dân tộc vì tham vọng vô bờ của những người quyền thế. Nơi nhiều người Công Giáo, đức tin thánh thiện trở nên thụ động và chết; dầu chút nào đức tin còn sót lại thì cũng hầu như chết và hư mất đời đời. Những lời Phúc Âm khuyên răn chỉ dạy bị quên lãng. Giáo huấn Phúc Âm bị chà đạp dưới chân. Đức bác ái hầu như tắt hẳn. Con của Mẹ là Thiên Chúa đích thực đã bình tĩnh nhẫn nhục đưa má ra để bị đánh đập và làm thương tổn (Thren. 3:30). Có ai chịu sỉ nhục vì bắt chước Chúa? Chỉ có sự đối nghịch được làm thành luật lệ ở thế giới này, không phải chỉ do những kẻ bất trung, mà còn do cả chính những con cái đức tin và ánh sáng nữa.

Khi thấy những tội lỗi này, Mẹ ước ao con bắt chước các việc Mẹ thi hành trong Cuộc Khổ Hình của Chúa và suốt đời Mẹ, đó là thực hành các thánh đức chống lại những thói xấu này. Để đền bù tội những người đó phạn thượng, Mẹ chúc tụng Thiên Chúa. Để đền bù lời thề của họ xúc phạm Thánh Danh Chúa, Mẹ ca ngợi Chúa. Để đền tạ tội họ không tin, Mẹ thi hành các hành động đức tin, và cũng như thế đối với mọi thứ tội lỗi khác của loài người. Đây là điều Mẹ ước mong con thi hành khi còn ở trần gian.

Con hãy cao bay xa chạy việc tiếp xúc nguy hiểm với các thụ tạo. Con hãy học gương thánh Phêrô vì con không vững mạnh hơn ngài, vị Tông Đồ của Chúa Kitô. Nếu con ngã vì yếu đuối, con hãy khóc tội con và lập tức xin Mẹ cứu giúp. Con hãy đền bù các tội lỗi và sự yếu đuối thông thường của con bằng việc kiên nhẫn chịu đựng, vui vẻ bình tĩnh chấp nhận mọi nghịch cảnh, bất kể nghịch cảnh đó là gì, có thể là bệnh tật hoặc những phiền nhiễu do tạo vật đưa tới, hoặc đó là những chống đối của xác thịt đối với linh hồn, hoặc từ những xung đột với kẻ thù hữu hình hoặc vô hình. Con có thể chịu đau khổ trong mọi thứ này, con phải chống đỡ bằng đức tin, đức cậy và tình yêu cao thượng. Mẹ nhắc con nhớ không có việc thực hành nào ích lợi cho các linh hồn bằng việc chịu đau khổ, vì chịu đau khổ đem lại ánh sáng, giải thoát khỏi sự lừa dối, tách rời trái tim ra khỏi những vật hữu hình, nâng trái tim lên với Thiên Chúa. Chúa sẽ đến gặp những người đau khổ, Chúa luôn ở với những người lâm cảnh buồn phiền đau khổ, gởi tới cho họ ơn bảo vệ và giúp đỡ của Ngài (Tv 40:15).